Doanh nghiệp ở các lĩnh vực đều có thể chuyển đổi số

Doanh nghiệp ở các lĩnh vực đều có thể chuyển đổi số

Tại Hội thảo 'Đột phá hiệu suất vận hành doanh nghiệp” được tổ chức mới đây, các chuyên gia cho rằng, Covid-19 là một phép thử cho các doanh nghiệp để ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số, từ đó tăng hiệu suất vận hành.

Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực như sản xuất, thương mại, bất động sản,  logistic… đã đặt câu hỏi họ nên chuyển đổi số như thế nào. Tại hội thảo này, nhiều câu hỏi, bài toán hóc búa đã được những chuyên gia đầu ngành đến từ các công ty tư vấn như Deloitte, EY Vietnam, FPT tư vấn và giải đáp nhằm hỗ trợ cộng đồng kinh doanh vượt qua thách thức thông qua ứng dụng chuyển đổi số vào các quy trình nghiệp vụ, vận hành hiện có.  

Cũng tại đây, các chuyên gia từ đã giới thiệu và tư vấn cho các doanh nghiệp cách thức chuyển đổi số hiệu quả, tối ưu vận hành, quản trị và giữ chân khách hàng thân thiết. Bức tranh chung xu thế kinh doanh của tương lai từ đó cũng được phác hoạ một cách rõ nét. Vận hành thông qua nền tảng số chính là xu hướng chủ đạo giúp doanh nghiệp mở ra rất nhiều cánh cửa cơ hội và tiềm năng chưa từng được khai phá.  

Tại hội thảo này, ông Võ Doãn Mẫn, Phó Giám đốc Cty MTK Logistic đặt ra câu hỏi có thể ứng dụng về chuyển đổi số hay CNTT cho công ty kinh doanh logistic được hay không? Trả lời câu hỏi này, bà Bà Trần Thị Thúy Ngọc, Phó tổng giám đốc Deloitte Việt Nam cho biết, Deloitte đã làm với các công ty logistic trên toàn cầu. Ví dụ như DHL, họ đã làm chuyển đổi số từ khá lâu nên đã tiết kiệm chi phí, thời gian giao hàng, tạo lòng tin ở khách hàng. Từ đó, khách hàng có thể kiểm tra được hàng hóa của họ đang ở đâu, thời gian nào ước tính tốt nhất để nhận được hàng.  Bà Ngọc cho biết, chi phí Logistic chiếm 20% tổng chi phí của doanh nghiệp, tại một số nước tối ưu còn 10% chi phí. Như vậy, đây là lĩnh vực có thể áp dụng chuyển đổi số với dư địa rất lớn.

Tại hội thảo này, bà Nguyễn Thị Minh Thúy, đại diện một doanh nghiệp về xây dựng đặt ra câu hỏi, đối với nhà thầu xây dựng thì việc chuyển đổi số đã và đang được thực hiện như thế nào trên thế giới?

Bà Trần Thị Thúy Ngọc cho biết, hiện nay ngành xây dựng đang ứng dụng công nghệ số rất nhiều. Họ ứng dụng rất nhiều trong sản xuất những sản phẩm công nghiệp. Ngoài ra, các doan nghiệp còn ứng dụng tự động hóa từ khi lập kế hoạch, đến quản trị dòng tiền… Hiện một số công ty xây dựng ở Việt Nam cũng đang tiên phong chuyển đổi số.

Ông Nguyễn Thế Mạnh, Trưởng Phòng cấp cao của Deloitte Việt Nam bổ sung thêm, đối với các nhà thầu xây dựng có nhiều dữ liệu như mua hàng, nhà cung cấp, nhân viên… Khi đẩy tất cả dữ liệu này vào trung tâm dữ liệu và phân tích thì sẽ quản lý được chi phí và rủi ro liên quan đến mua bán hàng hóa.

Còn ông Nguyễn Xuân Việt, Giám đốc Công nghệ Công ty Hệ thống thông tin FPT cho biết, chúng tôi xác định từ paint point (điểm nhấn) của khách hàng. Ví dụ ngành xây dựng nhân viên trải khắp các công trường và trình độ, thói quen làm việc khác nhau, chuỗi cung ứng cũng không ổn định. Ở công trường họ còn đối mặt với thất thoát. Vì vậy, điều đầu tiên là phải tối ưu được năng suất lao động của cán bộ nhân viên ở khắp nơi với việc áp dụng những mô hình quản trị từ xa, di chuyển trong công trường, quản trị kho phân tán.

Vẫn theo ông Mạnh, không có bài toán nào là một cho tất cả. Mỗi doanh nghiệp có những bài toán khác nhau, chúng ta cần tìm đâu là nguyên nhân gốc rễ. Có nhiều cách để giải quyết vấn đề này, một là ngồi với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, hai là nhìn từ các xu thế bên ngoài. Chuyển đổi số là sử dụng dữ liệu vậy doanh nghiệp có những dữ liệu gì, từ đó mới bắt bệnh doanh nghiệp để đưa ra bài thuốc phù hợp. Phải bắt đầu tư mô hình kinh doanh, chiến lược kinh doanh, năng lực đã đủ đảm bảo để đủ thực hiện chiến lược và mô hình đó không, vấn đề cốt lõi khiến năng suất chưa cạnh tranh được với các đối thủ là gì? Xác định được các vấn đề này thì mới có thể đưa ra được giải pháp phù hợp.

Cũng tại hội thảo này, ông Nguyễn Minh Tiến, đại diện doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nội thất cũng đặt ra vấn đề, trong bối cảnh Covid-19, hiện có những giải pháp gì để nâng cao hiệu suất trong lĩnh vực nội thất? Trả lời câu hỏi này, bà Ngọc cho rằng, với việc kinh doanh nội thất thì dù Covid hay không Covid thì ngoài những showroom nội thất, doanh nghiệp cần phải xây dựng kênh bán hàng online, áp dụng công nghệ 3D, thời gian thực để có thể trình diễn cho khách hàng các sản phẩm của mình. Doanh nghiệp phải có những công nghệ hỗ trợ khách hàng mà không cần đến showroom mà vẫn có thể trải nghiệm được sản phẩm của mình trên máy tính  và Mobile. Vì vậy, cần phải sử dụng công nghệ để làm sao đưa sản phẩm của doanh nghiệp đến với khách hàng nhanh nhất và gần gũi nhất.

Ở góc độ chuyên gia chuyển đổi số, sở hữu nhiều kinh nghiệm trong quá trình ứng dụng công nghệ vào các quy trình, nghiệp vụ vận hành doanh nghiệp, đại diện FPT cũng giúp các doanh nghiệp nhìn nhận yếu tố then chốt trong quá trình vận hành số chính là tốc độ - tốc độ triển khai, kết nối, quản trị và đánh giá hiệu quả – yếu tố tiên quyết cho một doanh nghiệp sống sót và thịnh vượng của hiện tại. Bằng việc ứng dụng công nghệ hay chuyển đổi số các quy trình vận hành, doanh nghiệp sẽ sở hữu một lợi thế cạnh tranh to lớn khi quản trị nhanh chóng, kịp thời, từ đó tối ưu chi phí và nâng cao trải nghiệm khách hàng. Những ví dụ trực quan và thực tiễn cũng được các chuyên gia từ FPT trình bày nhằm giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về quá trình chuyển đổi mô hình truyền thống sang mô hình vận hành số.

Thái Khang